Cảnh cơ cực của gia đình bốn con

11/09/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Tổ Ấm
Cảnh cơ cực của gia đình bốn con

Những ngày cuối tháng 8, người phụ nữ 50 tuổi ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang vẫn túc trực ở Bệnh viện Trung ương Huế để chăm con út Trần Văn Anh Khoa đang truyền hóa chất.

Chồng chị không thể đồng hành cùng hai mẹ con vì còn phải chăm hai đứa con, một đang học lớp 9, một bị viêm màng não, nằm liệt giường gần 30 năm.

"Chẳng gia đình nào muốn rơi vào cảnh tan đàn xẻ nghé, cùng quẫn chúng tôi mới phải làm vậy", chị Bé kể.

Chị Nguyễn Thị Bé cùng con trai út Trần Văn Anh Khoa, 5 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Bé kết hôn với anh Trần Văn Quốc 31 năm trước. Hai bên gia đình đều khó khăn, vợ chồng lấy nhau từ tay trắng đi lên, cố gắng tích góp cũng đủ tiền mua mảnh đất nhỏ ở thôn La Châu, xã Hòa Khương để dựng nhà.

Sau hai năm kết hôn, vợ chồng chị đón con đầu lòng nhưng đứa trẻ không may bị viêm màng não, nằm liệt giường. Biết phải chăm sóc con cả đời, họ cố gắng đi làm, mong dư ra một khoản lo liệu cho con lúc vợ chồng già yếu.

Nỗi buồn của hai vợ chồng cũng vơi bớt khi gia đình lần lượt đón thêm Thanh Thảo (sinh năm 2000), Thanh Thủy (sinh năm 2009) và con trai út Anh Khoa (sinh năm 2019).

Nhà đông con, thu nhập chính chỉ dựa vào hai sào ruộng và tiền đi làm thuê nhưng vợ chồng chị Bé nói cố gắng chèo kéo cũng lo đủ cho các con đi học, mong chúng thoát cảnh nghèo khó. Những lúc nông nhàn, bà mẹ bốn con vẫn đi làm thuê gần nhà. Còn chồng lại đi phụ hồ, ngày kiếm vài trăm nghìn đồng. Vợ chồng vất vả đi làm sớm khuya để trang trải cuộc sống nhưng chị Bé nói vui bởi cả gia đình quây quần, bữa cơm nào cũng đủ 6 thành viên.

Hai năm trước, Thanh Thảo, con gái thứ hai của chị Bé sau khi tốt nghiệp cấp ba xin bố mẹ cho đi làm. Hết lời khuyên con nên thi đại học, nói bố mẹ vẫn lo liệu được nhưng cô bé từ chối. "Con muốn đi làm để thêm tiền phụ đỡ bố mẹ nuôi hai em và chị cả. Sau này có cơ hội, quay lại học cũng chưa muộn", Thảo nói.

Ngỡ tưởng cuộc sống dần ổn định thì đầu tháng 2/2024, con trai út Anh Khoa liên tục kêu đau đầu. Gia đình đưa đi khám tại bệnh viện ở Đà Nẵng nhưng không ra kết quả. Một thời gian sau, tai trái của cậu bé bất ngờ sưng to, đến bệnh viện lấy sinh tiết thì được chẩn đoán u ác tính, bác sĩ đề nghị chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) khám lại. Tại đây, Anh Khoa được xác định bị Sarcoma Ewing xương thái dương (một dạng ung thư xương), phải nhập viện điều trị gấp.

"Nhà bốn con thì hai đứa lại bệnh tật, nhưng còn nước còn tát, bằng mọi cách phải cứu con", chị Bé nói.

Từ ngày Anh Khoa ốm, vợ chồng chị Bé buộc chia đôi ngả. Vợ đưa con vào TP HCM chữa bệnh, chồng ở nhà chăm lo cho con lớn và con gái thứ ba đang học lớp 9, toàn bộ công việc buộc phải tạm ngưng. Riêng con gái thứ hai là Thanh Thảo vẫn tiếp tục đi làm, mỗi tháng được 4 triệu đồng, phụ thêm vào tiền thuốc men, chi phí đi lại cho mẹ và em trai.

Cuối tháng 5/2024, mẹ con chị Bé được chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế để truyền hóa trị.

Cậu bé Trần Văn Anh Khoa, 5 tuổi, được chẩn đoán bị sarcoma ewing xương thái dương, đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, tháng 8/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Từ ngày con trai ốm, người phụ nữ 50 tuổi nói số tiền tiết kiệm ít ỏi của hai vợ chồng cũng tiêu sạch.

"Nhưng khoản tiền ấy chẳng thấm vào đâu bởi cuộc chiến với ung thư đâu phải ngày vài ngày hay vài tuần. Cũng may có người thân, hàng xóm thương tình, mỗi người cho vay mượn vài triệu đồng nên vợ chồng tôi cầm cự được đến nay", chị Bé nói. Người phụ nữ cũng cho biết nợ có thể trả, chỉ cần chăm chỉ đi làm, nhưng bệnh phải điều trị kịp thời.

Nhiều tháng phải nghỉ làm để chăm con, không còn thu nhập nên mọi chi tiêu của gia đình phải dè sẻn. Chị Bé kể bố con ở quê chỉ dám ăn cơm cùng rau hái ngoài vườn, họa hoằn lắm mới bán thóc để mua vài lạng thịt cho con có chất. Còn chị và Anh Khoa từ khi nhập viện điều trị đều sống nhờ vào cơm từ thiện. Thi thoảng có nhà hảo tâm vào viện cho vỉ sữa, hộp bánh, Anh Khoa lại được cải thiện.

Cậu bé 5 tuổi hiện truyền hóa chất đợt bốn, mỗi lần vào thuốc đều sụt cân, biếng ăn, dễ sốt hay hay quấy. Mỗi lần như vậy chị Bé lại phải nhờ con gái thứ hai từ Đà Nẵng ra Huế cùng hỗ trợ.

Lấy chồng hơn 30 nhưng người phụ nữ này chưa từng nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. Ngày còn trẻ thì vợ chồng cố gắng kiếm tiền nuôi con. Khi ngoài 50 tuổi thì lại theo con út vào viện, ngày đêm lo tìm cách trả nợ.

Nhiều người ở viện hay nói chị Bé mạnh mẽ, cứng rắn bởi chưa từng thấy suy sụp, mất tinh thần khi con đau ốm. Nhưng chị đáp nếu để bản thân yếu đuối thì con cái biết dựa vào đâu.

"Nếu khóc mà các con tôi được khỏe mạnh, kinh tế gia đình khá lên từng ngày thì tôi làm ngay. Còn không thì phải kiên định mà chống chọi với khó khăn, có bệnh phải chữa, vay nợ ắt trả", chị Bé nói.

Gần ba tháng nhập viện nhưng mới về nhà được một lần, người phụ nữ 50 tuổi nói mong muốn của con trai là sớm được về nhà với bố và các chị, thay vì làm bạn với những mũi tiêm. Còn với chị, mong ước không phải sớm thoát nghèo, gia đình trả hết nợ hay có thêm thời gian nghỉ ngơi, mà chỉ hy vọng con trai khỏi bệnh.

"Nhà nghèo cũng được, ăn cơm độn rau qua bữa cũng không sao, chỉ mong mọi người đều có sức khỏe, sống bình yên qua ngày", chị Bé kể.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng, với sự đồng hành của FPT Long Châu.

Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.

Quỳnh Nguyễn

Tin liên quan
Tin Nổi bật