Cắt u diệp thể, tái tạo ngực cho người phụ nữ

15/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Sức Khỏe Ung Thư
Cắt u diệp thể, tái tạo ngực cho người phụ nữ

Khối u xuất hiện từ 9 năm trước, bác sĩ khi ấy chẩn đoán u sợi tuyến, chỉ định theo dõi và tái khám định kỳ. Cuối năm ngoái, u phát triển nhanh hơn, sinh thiết kết quả u diệp thể, bác sĩ chỉ định cắt bỏ tuyến vú song bà từ chối mổ vì sợ mất thẩm mỹ.

Lần này trong sinh hoạt, bà Trà va chạm mạnh vào vật dụng nên ngực sưng tấy, u trồi lên, 2/3 vùng da ngực nổi mẩn đỏ. Bà Trà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, cho biết ngực sưng, nguy cơ vỡ nên không thể siêu âm, chụp nhũ ảnh, MRI hay sinh thiết để xác định u lành hay ác tính. Tuy nhiên khai thác bệnh sử và khám lâm sàng, bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân không quá nghiêm trọng như hình ảnh lâm sàng. "Đây chỉ là chấn thương cấp tính kèm theo khối u diệp thể sẵn có, nhiều khả năng u lành tính", bác sĩ nói.

Người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng viêm, theo dõi liên tục. Sau ba ngày, u đáp ứng thuốc, giảm sưng tấy, 10 ngày sau u gom lại song vẫn còn rất to, phần da bị viêm đỏ còn khoảng 4 cm.

Bác sĩ Tấn tư vấn cho bà Trà. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Các bác sĩ khoa Ngoại Vú hội chẩn, quyết định cắt bỏ toàn bộ tuyến vú cùng với khối u, chừa lại phần da lành và tái tạo ngay ngực bằng vạt TRAM. Phương pháp này sử dụng mô da và mỡ ở bụng dưới để tạo lại tuyến vú, nên ngực được tái tạo sẽ mềm mại, tự nhiên, đáp ứng nguyện vọng không muốn mất đi bầu ngực của bà Trà.

Do phần da ngực viêm nhiều, êkíp phẫu thuật đoạn nhũ phải, đảm bảo tiết kiệm da, chừa quầng ngực và nhũ hoa. Bác sĩ Tấn bóc tách phần mô da, cơ và mỡ ở bụng dưới, tạo đường hầm từ vùng bụng đến ngực phải. Sau đó, êkíp luồn phần mô được bóc tách này lên tạo thành ngực mới cho người bệnh.

Kết quả xét nghiệm sau mổ là u diệp thể lành tính, bà Trà không cần điều trị bổ sung. Hậu phẫu, bà không đau nhiều, ngực được tái tạo đầy đặn, bụng thon gọn, xuất viện sau hai ngày.

U diệp thể hình thành từ các mô liên kết (mô xơ, có chức năng hỗ trợ giữ các mô khác ở đúng vị trí), soi dưới kính hiển vi các tế bào xếp thành hình dạng như chiếc lá. 80% u diệp thể lành tính, 20% còn lại là u ác tính có mức độ ác tính thấp và trung bình. Trường hợp u diệp thể ác tính ít khi di căn hạch hay di căn xa đến các cơ quan khác, theo bác sĩ Tấn.

U diệp thể thường lớn hơn 3 cm, một số trường hợp kích thước có thể đến 20-30 cm. Loại u này có xu hướng phát triển nhanh trong vài tuần, làm căng da, vùng da trên u sáng bóng, màu đỏ, người bệnh có thể đau hoặc không. U để lâu dễ xuất huyết, vỡ ra gây nhiễm trùng, thiếu máu, đau nhức. Chưa rõ nguyên nhân gây u diệp thể. Tuy nhiên, phụ nữ mắc hội chứng Li-Fraumeni (bệnh di truyền ít gặp) có nguy cơ cao hơn.

Phương pháp điều trị thường là phẫu thuật. Tùy vào độ lớn, vị trí của khối u, bác sĩ chỉ định cắt rộng u (cắt bỏ khối u với một phần mô vú xung quanh khoảng 1 cm) hoặc cắt bỏ toàn bộ tuyến vú (đoạn nhũ). Sau đoạn nhũ, người bệnh được tái tạo để đảm bảo thẩm mỹ, không bị mất ngực. Hậu phẫu, người bệnh có thể được xạ trị nhằm giảm nguy cơ tái phát. Ca mổ cần bác sĩ có kinh nghiệm để giảm nguy cơ tái phát, đồng thời có thể tái tạo tuyến vú theo nhu cầu của bệnh nhân.

Bác sĩ Tấn khuyên cáo phụ nữ bị u diệp thể nên tái khám định kỳ hoặc khám ngay khi có bất thường, để được xử lý kịp thời. Trường hợp phẫu thuật cắt rộng u diệp thể mà không cắt bỏ toàn bộ tuyến vú nên tái khám định kỳ để theo dõi, điều trị phòng tái phát.

Nguyễn Trăm

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật