Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến 2030 khoảng 6.000 MW, nhưng đến nay chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao đầu tư.
Tại thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 1/10, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) báo cáo, đề xuất với Thủ tướng việc giao tập đoàn này khảo sát, thí điểm làm dự án điện gió ngoài khơi. "Từ nay đến 2030 không còn nhiều, việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi rất cần thiết để bảo đảm thực hiện quy hoạch", Phó thủ tướng nhìn nhận.
Bộ Công Thương cùng các bộ ngành cũng được giao nghiên cứu các quy định cần sửa tại Luật Điện lực và luật khác liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý cho các dự án năng lượng, gồm điện gió ngoài khơi.
Một dự án điện gió ngoài khơi. Ảnh: GWEC
Hồi tháng 7, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án chọn nhà đầu tư thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi, trong đó có phương án chọn PVN. Bộ này cho rằng một số hạng mục, công trình của loại nguồn điện này tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi, nên PVN có lợi thế về nguồn lực triển khai dự án thí điểm.
Tuy nhiên, theo nhà chức trách, trường hợp giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cần đánh giá, điều chỉnh chủ trương lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh của tập đoàn này. Ngoài ra, PVN cũng phải thay đổi để đáp ứng những yêu cầu đặc trưng của ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, tăng trưởng nguồn điện phải đạt 10-12% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng Việt Nam cần phải tập trung đầu tư các dự án nguồn điện từ sớm, bảo đảm nhu cầu phát triển trong tương lai. Trong đó, các nguồn ưu tiên gồm năng lượng tái tạo có khả năng làm điện nền như điện gió ngoài khơi, khí LNG. Việc này cũng nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải về 0% vào 2050.
Điện gió ngoài khơi được phân bổ theo vùng tại kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Trong đó, Bắc Bộ được phân bổ 2.500 MW, Trung Trung Bộ 500 MW, Nam Trung Bộ 2.000 MW và Nam Bộ 1.000 MW.
Trên thế giới, nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng này hầu hết là các "ông lớn" dầu khí, như Equinor, Shell, Repsol, Total, BP hay Chevron. Ở Đông Nam Á, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) đã lập công ty năng lượng tái tạo Gentari và mua 29,4% cổ phần dự án điện gió ngoài khơi Hải Long tại Đài Loan (Trung Quốc) để phát triển, đầu tư vào loại năng lượng này.
Phương Dung