Sydney Finkelstein, giáo sư tại trường Kinh doanh Tuck thuộc đại học Dartmouth, Mỹ, dành 6 năm để tìm kiếm câu trả lời vì sao người thông minh lại thất bại.
Ông và các đồng nghiệp đã nghiên cứu 51 thất bại nổi tiếng nhất trong thế giới kinh doanh, phỏng vấn các CEO và mọi người ở mọi cấp độ.
Finkelstein muốn hiểu hoạt động bên trong của từng doanh nghiệp, khám phá suy nghĩ của các giám đốc điều hành chủ chốt và tìm ra nguyên nhân khiến họ đưa ra những quyết định tai hại.
Ông và nhóm của mình phát hiện ra những quyết định tồi tệ mà những nhà lãnh đạo thông minh này đưa ra có thể là cố ý hoặc vô tình, nhưng chúng luôn xuất phát từ sự kiêu ngạo khiến những doanh nghiệp thành công nhất cũng có thể sụp đổ.
Ảnh minh họa: talentsmarteq
Dưới đây là điểm chung của những người thông minh nhưng thất bại.
Họ nghĩ mình và công ty của mình là bất khả xâm phạm
Nhiều người nghĩ thành công của họ là đương nhiên nên say sưa với những ý tưởng của mình, tin đối thủ sẽ không bao giờ bắt kịp, hoàn cảnh không bao giờ thay đổi và không kẻ phá hoại nào có thể xuất hiện.
Vì kỳ vọng không thực tế nên thất bại là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, các nhà lãnh đạo phải liên tục đặt câu hỏi về vị trí của mình, đặc biệt khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Họ không thể biết nơi mình dừng lại và nơi công ty bắt đầu
Những nhà lãnh đạo trong nghiên cứu của Finkelstein có địa vị cao và bị ám ảnh về hình ảnh doanh nghiệp. Do đó, họ quá bận rộn với việc xây dựng bộ mặt công ty mà không đầu tư thời gian để làm việc một cách hiệu quả.
Việc này khiến công việc trì trệ, gây tình trạng không trung thực và tham nhũng. Một người coi công ty là của riêng mình thường che giấu những điều làm hoen ố hình ảnh doanh nghiệp, dù thành tựu đạt được thấp hay sản phẩm lỗi.
Họ nghĩ mình là người thông minh nhất
Nhiều lãnh đạo biết khá rõ mình thông minh cỡ nào. Bản sắc của họ gắn với trí thông minh đến mức họ tin không cần những đóng góp của người khác. Họ đưa ra quyết định nhanh chóng và từ chối trả lời các câu hỏi khi có sự hiểu lầm.
Dù điều này phù hợp với hình ảnh trên TV về một lãnh đạo mạnh mẽ, nhưng đưa ra quyết định trong tích tắc, thiếu thận trọng thường dẫn đến sai lầm lớn.
Càng không quan tâm người khác nghĩ gì, khả năng thất bại của bạn càng cao.
Họ bị vây quanh bởi những nhân viên chỉ biết vâng lời
Một số lãnh đạo ám ảnh với lòng trung thành đến mức mong được ủng hộ một cách vô nghĩa cho mọi quyết định họ đưa ra. Điều này khiến những nhân viên có giá trị xa lánh và im lặng.
Khi một người coi sự bất đồng quan điểm là không trung thành hoặc làm suy yếu quyền năng của mình, không còn ai cảnh báo về sai lầm của họ nữa.
Bỏ qua những dấu hiệu tồi tệ
Một số lãnh đạo say mê với tầm nhìn cá nhân đến nỗi sẵn sàng đẩy công ty xuống vực để theo đuổi chúng. Nhiều nhà lãnh đạo xin ý kiến đóng góp và đề xuất, nhưng không thể ngừng hành động theo ý mình.
Sự kiên định là phẩm chất tốt của một nhà lãnh đạo, nhưng không có nghĩa là phớt lờ sự thật.
Phụ thuộc vào những gì đã hiệu quả trước đây
Đánh giá thành công và thất bại trước đây giúp doanh nghiệp phát triển, nhưng quá khứ không nên là động lực thúc đẩy tương lai.
Nhóm của Finkelstein phát hiện nhiều nhà lãnh đạo thất bại nắm bắt một khoảnh khắc quan trọng trong sự nghiệp và liên tục cố gắng lặp lại khoảnh khắc đó, ngay cả khi các chiến lược cũ không hợp lý nữa.
Nhu cầu của khách hàng, công nghệ và bối cảnh cạnh tranh có thể thay đổi trong chớp mắt. Vì lý do này, các nhà lãnh đạo thành công liên tục thích nghi với môi trường xung quanh.
Nhật Minh (Theo talentsmarteq)