Nga diễn tập răn đe hạt nhân

17/12/2024
|
0 lượt xem
Quân Sự Thế Giới
Nga diễn tập răn đe hạt nhân

"Tổng thống Vladimir Putin đã giám sát hoạt động huấn luyện Lực lượng Răn đe Chiến lược trên bộ, trên biển và trên không. Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình được phóng trong cuộc diễn tập", Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/10 thông báo.

Cụ thể, quân đội Nga phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars từ thao trường Kura trên bán đảo Kamchatka. Oanh tạc cơ Tu-95M phóng tên lửa hành trình; tàu ngầm Novomoskovsk và Knyaz Oleg khai hỏa tên lửa đạn đạo R-29RMU Sineva và RSM-56 Bulava.

"Cuộc diễn tập kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của các cơ quan chỉ huy, kỹ năng điều hành đơn vị dưới quyền của các sĩ quan chỉ huy và tác chiến", thông cáo có đoạn.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Lực lượng Răn đe Chiến lược nước này hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ trong cuộc diễn tập, tất cả tên lửa đều đánh trúng mục tiêu đã định và thể hiện đầy đủ tính năng.

    Nga diễn tập hạt nhân chiến lược

Tên lửa RS-24 Yars, R-29RMU Sineva và RSM-56 Bulava rời bệ phóng, tàu ngầm trong diễn tập ngày 29/10. Video: BQP Nga

Nga quy định Lực lượng Răn đe Chiến lược có nhiệm vụ ngăn chặn hành vi gây hấn chống lại Nga và các đồng minh của Nga, khiến kẻ thù thất bại trong chiến tranh. Lực lượng này sử dụng nhiều loại vũ khí, trong đó có vũ khí hạt nhân.

Cuộc diễn tập ngày 29/10 diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang thúc giục các đồng minh phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa viện trợ để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa có kết quả vì các nước lo ngại căng thẳng có thể leo thang hơn nữa.

Tổng thống Putin hồi tháng 9 đề xuất thay đổi học thuyết hạt nhân của Nga, theo đó nước này sẽ phát động đòn tấn công hạt nhân trong trường hợp bị không kích quy mô lớn. Học thuyết mới cũng đề cập việc Nga sẽ coi bất cứ đòn tấn công từ một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn là hoạt động phối hợp của cả hai.

Ông Putin không nêu tên quốc gia cụ thể, song truyền thông Nga nhận định điều này nhắm đến trường hợp Ukraine, quốc gia phi hạt nhân, sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.

Các đề xuất này đang ở dạng dự thảo, cần được ông Putin thông qua trước khi có hiệu lực. Tổng thống Nga chưa cho biết khi nào ông sẽ phê duyệt những đề xuất này.

Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, ngày 26/9 cho biết những đề xuất trên là "tín hiệu rõ ràng nhằm cảnh báo các quốc gia về hậu quả nếu tấn công Nga bằng nhiều phương tiện khác nhau, không nhất thiết phải là vũ khí hạt nhân".

Nguyễn Tiến (Theo TASS, RIA Novosti, AFP, AP)

Tin liên quan
Tin Nổi bật