Phẫu thuật cột sống cho người suy tim nặng

15/12/2024
|
0 lượt xem
Các Bệnh Cơ Xương Khớp Sức Khỏe Thần Kinh Cột Sống
Phẫu thuật cột sống cho người suy tim nặng

Ông Phước bị tê đau ở lưng và chân nhiều năm nhưng không đi khám, tự mua thuốc giảm đau uống. Nay đau ngày càng nghiêm trọng, ông không thể đi lại, phải dùng xe lăn.

Kết quả chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận người bệnh bị thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, chèn ép thần kinh. Ngày 28/10, ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết bệnh đã tiến triển nặng, gây ra các biến chứng teo chân, rối loạn tiểu tiện. Người bệnh cần được phẫu thuật giải ép và ổn định cột sống ngay.

Tầm soát trước mổ, bác sĩ phát hiện người bệnh bị suy tim đến 60%, chức năng tim chỉ còn 40%, hẹp ba nhánh mạch vành. ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch, nhận định nếu phẫu thuật cột sống ngay gây nguy cơ tắc mạch cấp tính, co thắt, nhồi máu cấp trong lúc mổ, đe dọa tính mạng người bệnh.

Để tránh biến chứng giảm tưới máu và nguy cơ đột tử do suy tim nặng, ông Phước được can thiệp hai lần để đặt 4 stent mạch vành. Ngoài bệnh tim mạch, ông còn mắc hội chứng Cushing do tự dùng thuốc giảm đau trong nhiều năm qua, gây suy tuyến thượng thận. Người bệnh được điều trị nội khoa để ổn định sức khỏe tổng thể.

Bác sĩ Ngọc thực hiện siêu âm, kiểm tra tình trạng sức khỏe tim người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Thắng, thông thường thời điểm lý tưởng để thực hiện ca phẫu thuật thứ hai sau khi nong stent mạch vành là 6 tháng. Tuy nhiên, ông Phước đau cột sống quá nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nên chưa đầy 4 tháng, khi tình trạng tim mạch tương đối ổn định, người bệnh tiếp tục nhập viện. Bác sĩ theo dõi và ổn định các chỉ số, đảm bảo cơ thể người bệnh trong trạng thái tốt nhất, chuẩn bị phẫu thuật cột sống. "Ưu tiên hàng đầu là mổ chính xác nhưng phải nhanh, rút ngắn thời gian tối đa, hạn chế chảy máu, giảm nguy cơ biến chứng tim mạch trong và sau mổ", bác sĩ Thắng nói.

Ca mổ diễn ra khoảng 1,5 giờ thay vì 3 giờ như thông thường. Bác sĩ phẫu thuật bằng phương pháp giải ép thần kinh và làm cứng cột sống. Đĩa đệm bị tổn thương được lấy khỏi cơ thể, giúp giảm tê bì, lấy lại cảm giác hai chân và cải thiện dần sức cơ, chuẩn bị cho quá trình tập vật lý trị liệu khôi phục vận động.

Đốt sống bị tổn thương được nẹp giữ, làm cứng lại bằng phương pháp bắt vít cố định. Cột sống trở lại đúng với cấu trúc tự nhiên, người bệnh lấy lại thăng bằng, loại bỏ tối đa các triệu chứng, cơn đau do tổn thương thần kinh gây nên. Toàn bộ ca mổ được thực hiện dưới sự giám sát của hệ thống máy chụp X-quang liên tục C-Arm, đảm bảo bác sĩ thao tác chính xác.

Một tuần sau, cơn đau ở lưng và chân giảm nhiều, ông Phước có thể tự ngồi dậy và đứng được bằng khung. Bác sĩ Thắng cho biết người bệnh mất khả năng vận động trong thời gian dài nên cần nhiều thời gian tập phục hồi chức năng hơn. Tiên lượng sau 6 tháng, ông có thể tự đi lại bình thường mà không cần dụng cụ hỗ trợ.

Bác sĩ Thắng phẫu thuật cột sống cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Thắng khuyến cáo người bệnh xương khớp cần đi khám sớm khi có các dấu hiệu bất thường như đau, tê yếu, tránh để lâu bệnh tăng nặng khó điều trị. Trước khi mổ, cần được đánh giá tổng quan sức khỏe để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc như corticoid (một dạng thuốc giảm đau mạnh) trong thời gian dài. Hậu quả không chỉ gây ức chế tuyến thượng thận mà còn dẫn đến loãng xương nặng hơn, tụt huyết áp, tổn thương dạ dày, phù nề... Những biến chứng do dùng thuốc sai cách khi đã xuất hiện sẽ không thể điều trị khỏi hoàn toàn, chỉ có thể ngăn tiến triển nặng.

Phi Hồng

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật